Mã Trường

Mã Trường
photo-256

Gương Sáng

Lan tỏa dòng máu hiếm cứu người

Cập nhật 20/12/2016 - 11:22:43 AM (GMT+7)

Trên tầng 4 một công trình đang xây dở tại Q.12 (TP.HCM), anh thợ hồ Lê Văn Long (45 tuổi) miệt mài tô trét bức tường. Đen đúa, nhỏ thó nhưng rắn rỏi, đều đặn 20 năm nay anh lúc nào cũng sẵn sàng hiến máu cứu người.

Lan tỏa dòng máu hiếm cứu người
Anh thợ hồ Lê Văn Long (45 tuổi) đều đặn 20 năm hiến máu cứu người.

Anh Long là một trong những người mang nhóm máu hiếm (Rh-), có tỉ lệ 10.000 người chỉ có 4-5 người cùng nhóm máu. Có những ca bệnh mà bệnh viện phải thúc thủ khi người bệnh cần truyền nhóm máu hiếm.

Vì lẽ đó năm 2001, Trung tâm Hiến máu nhân đạo TP.HCM cho ra đời Câu lạc bộ Máu hiếm. Thành viên của câu lạc bộ đủ cả sang hèn nhưng đa số là người lao động nghèo, có người phải chạy ăn từng bữa nhưng luôn sẵn sàng cho đi những giọt máu quý của mình.

Người nghèo 
giúp người ngặt

Hồi trước mỗi khi phường có đợt hiến máu, anh Long đều tham gia. Rồi năm 1996, anh biết mình có nhóm máu hiếm: có thể truyền cho các nhóm máu khác nhưng chỉ nhận được chính nhóm máu của mình.

Hiểu được sự ngặt nghèo của những người mang nhóm máu như mình, từ đó ròng rã 20 năm qua, năm nào anh Long cũng hiến máu 3 lần, “chưa kể những trường hợp gấp thì tôi đi liền”.

Gấp, tức là những ca cấp cứu cần máu tức thời. Lúc đó, chính anh Long trở thành “ngân hàng máu sống”.

Do có chồng siêng hiến máu nên chị Võ Thị Liên (41 tuổi) cũng bắt chước hiến máu. Chị nói: “Cũng may cả vợ chồng đều khỏe mạnh nên chưa phải nhận lại máu lần nào”.

Hai vợ chồng nhớ lại cuối năm 2005, anh Long đang tổ chức đám tang cho mẹ thì có một phụ nữ lớn tuổi tìm đến tận nơi. Con gái bà ở Huế bị bệnh tim đang nhập viện, cần máu gấp, nhóm máu hiếm. Bà được giới thiệu đến anh Long xin máu trực tiếp.

“Vậy là tui lật đật theo cổ lên trung tâm lấy máu. Máu sau đó được chuyển ngay ra Huế cứu người” - anh kể. Cũng không hiếm những lần đang phụ hồ lấm lem, trung tâm gọi, anh bỏ ngang để đến hiến máu.

“Ăn thua gì, máu mình cứu được mạng người thì cực chút cũng chẳng sao. Lúc gia nhập câu lạc bộ (2001), tui đã tự nhủ như vậy rồi” - anh nói.

Cũng là người lao động nghèo như anh Long, ở con hẻm trên đường Vũ Tùng (Q.Bình Thạnh), bà Nguyễn Thị Chia (57 tuổi) trú ngụ trong căn nhà nhỏ.

Bà lưu giữ tấm thẻ hiến máu từ năm 1996 đã ngả màu. Nay sắp hết tuổi hiến máu nhưng bà nói “mình còn sức khỏe nên vẫn hiến thôi”.

Cũng như anh Long, bà nói có khi đang đi làm xa lơ xa lắc nhưng có người cần máu, bà cũng bắt xe ôm chạy về trung tâm cho máu. Hỏi có nhớ trường hợp nào mình từng giúp đỡ không, bà cười xòa:

“Mình cũng không cần biết người được cho máu là ai, chỉ cần máu của mình cứu được người khác qua cơn nguy cấp là an tâm rồi, hơi đâu để ý mấy chuyện ơn nghĩa”.

Đi làm thợ hồ bữa đực bữa cái, ngày nào mưa anh Long lại xoay qua chạy xe ôm kiếm thêm. Cứ vậy, vợ chồng anh chắt chiu nuôi con trai khôn lớn. Anh chị còn một ước mong là dư dả chút đỉnh để sửa lại căn nhà ván ọp ẹp cho sáu người trú ngụ.

“Ngẫm lại mình cũng làm được việc có ý nghĩa là giúp nhiều người qua cơn nguy hiểm, tiếp tục sống trên đời này. Vậy là vui rồi” - anh bộc bạch.

Cảnh nhà của bà Chia còn khó hơn. Gốc Sài Gòn nhưng gia đình khó khăn, bà Chia từ ngày trẻ đã gắn với nghề cạo gió giác hơi, lau nhà thuê, giúp việc nhà theo giờ... Cứ ai kêu là bà đi, qua tận Bình Chánh, Hóc Môn để kiếm từng đồng bạc lẻ. Chồng mất đã lâu vì bệnh tật, một mình bà lầm lũi nuôi bốn người con. Thế nhưng trong cách chuyện trò, lúc nào bà cũng lạc quan với nụ cười chân chất.

Lan tỏa dòng máu hiếm cứu người
Nhiều bạn trẻ trong Câu lạc bộ Máu hiếm được tuyên dương

Lòng tốt lan tỏa

Để hiến máu, những người hiến phải có đức hi sinh. Đó không chỉ là sự chịu khó, chịu khổ mà còn phải có sức khỏe. Như anh Trần Hoàng Long (45 tuổi, nhà ở Q.8) có khoảng 60 lần hiến máu trong 13 năm qua.

Anh Hoàng Long làm bảo vệ cho một kho hàng, thường xuyên đi về giữa Long An và Sài Gòn nhưng bất cứ khi nào có tình huống cần máu khẩn cấp mà trung tâm gọi, anh lại bỏ dở công việc để đáp ứng.

Anh còn nhớ có lần cách đây 7 năm, anh đã cho tổng cộng 4 túi máu (mỗi túi 250ml) trong vòng... 3 ngày.

“Đó là một bệnh nhân ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới bị xuất huyết bao tử, ngày đầu họ xin hai túi máu. Hai ngày sau, người nhà bệnh nhân tiếp tục xin. Không còn cách nào khác, tôi đồng ý cho tiếp dù cũng biết cho liên tục như vậy ảnh hưởng sức khỏe” - anh kể.

Nhưng cuối cùng bệnh nhân đó không qua khỏi, anh buồn như chính mình mất người thân.

Hiểu được giọt máu của mình quá hiếm, mỗi khi có dịp các thành viên lại tìm cách kết nối thành viên mới. Anh Hoàng Long cho biết từ khi không giúp được bệnh nhân bị xuất huyết bao tử, anh càng ra sức vận động mọi người, nhất là những người trong tổ dân phố đi hiến máu.

Anh cũng được nhiều người biết đến trên Facebook bởi thường xuyên kêu gọi hiến máu, đăng tải những hoàn cảnh cần máu...

Rồi chính những người được truyền máu lại trở thành người hiến máu mới. Cách đây 4 năm, chị Trần Thị Loan (Bình Phước) sinh con phải truyền máu, nhóm máu hiếm. May mắn đã mỉm cười, mẹ tròn con vuông.

“Từ đó tôi trở thành thành viên của Câu lạc bộ Máu hiếm luôn. Ngoài việc hiến máu định kỳ, tôi còn cùng mọi người tìm kiếm, vận động thêm người vào câu lạc bộ’ - chị Loan chia sẻ.

Từ 12 thành viên lên 198

Sau 15 năm, mạng lưới hoạt động của Câu lạc bộ Máu hiếm lan rộng đến các tỉnh thành. Hiện nay, ở các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu đều có thành viên của câu lạc bộ. Người gắn bó từ những ngày đầu là bác sĩ Phạm Văn Quân, phó giám đốc Trung tâm Hiến máu nhân đạo, cũng là chủ nhiệm câu lạc bộ.

Ông cho biết ban đầu câu lạc bộ chỉ có 12 thành viên, còn hiện nay là 198. Bác sĩ Quân bộc bạch: “Họ là những ngân hàng máu sống. Bất cứ khi nào nhận được điện thoại từ trung tâm thông báo có người đang cần máu khẩn cấp, họ gác ngay việc riêng để tiếp cứu.

Bình quân mỗi tháng Viện Truyền máu - huyết học TP.HCM gửi qua khoảng 40 trường hợp cần máu hiếm khẩn cấp. Rồi các bệnh viện khác gọi trực tiếp. Nhưng lượng máu quá ít nên chúng tôi phải ưu tiên cho những người bị nặng”.

Bác sĩ Quân cho biết chế độ hiện nay cho những người hiến máu chỉ là hỗ trợ tiền đi lại hiến máu, hỗ trợ khám sức khỏe, mua bảo hiểm y tế cho những người quá khó khăn...

Trong năm tới, câu lạc bộ sẽ vận động thêm kinh phí để hỗ trợ thêm việc chăm sóc sức khỏe, chích ngừa viêm gan siêu vi B cho các thành viên.

(Theo Tuổi Trẻ Online)