Mã Trường

Mã Trường

Tin Đào Tạo

Quyết định ban hành Điều lệ trường đại học

Cập nhật 15/12/2014 - 07:49:14 PM (GMT+7)

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng vừa ký ban hành Quyết định số 70/2014/QĐ-TTg ngày 10 tháng 12 năm 2014 ban hành Điều lệ trường đại học.

Điều lệ này quy định về nhiệm vụ và quyền hạn; tổ chức và quản lý trường đại học; hoạt động đào tạo, hoạt động khoa học và công nghệ, hoạt động hợp tác quốc tế; giảng viên và người học; tài chính và tài sản; quan hệ giữa trường đại học, gia đình và xã hội; tổ chức thực hiện Điều lệ trường đại học.

Theo đó, Quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học do hiệu trưởng ban hành theo quyết nghị của hội đồng trường (đối với trường công lập) hoặc hội đồng quản trị (đối với trường tư thục) trên cơ sở cụ thể hóa các quy định tại Điều lệ này, phù hợp với điều kiện đặc thù của nhà trường, không trái với các quy định pháp luật có liên quan và phải được công bố công khai.

Trường đại học thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn theo quy định tại Điều 28 của Luật Giáo dục đại học. Quyền tự chủ của trường đại học thực hiện theo quy định tại Điều 32 của Luật Giáo dục đại học và một số quy định cụ thể như: Quyết định mục tiêu, chiến lược và kế hoạch phát triển của nhà trường; Quyết định thành lập bộ máy tổ chức, phát triển đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý trên cơ sở chiến lược và quy hoạch phát triển nhà trường; Thu, chi tài chính, đầu tư phát triển các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo theo quy định của pháp luật; quyết định mức thu học phí tương ứng với điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo đối với chương trình đào tạo chất lượng cao và các quy định về tự chủ tài chính đối với trường đại học; Tuyển sinh và phát triển chương trình đào tạo; tổ chức biên soạn hoặc lựa chọn giáo trình giảng dạy phù hợp với mục tiêu đào tạo của từng chương trình đào tạo; in phôi văn bằng, quản lý và cấp văn bằng, chứng chỉ cho người học theo quy định của pháp luật; Tổ chức triển khai các hoạt động khoa học và công nghệ, hợp tác quốc tế theo chiến lược và kế hoạch phát triển của nhà trường; đảm bảo chất lượng đào tạo của nhà trường; lựa chọn tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục để đăng ký kiểm định.

Trường đại học có cơ cấu tổ chức theo quy định tại Điều 14 của Luật Giáo dục đại học. Việc thành lập, giải thể các đơn vị thuộc trường đại học; cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của từng đơn vị được thực hiện theo quy định của pháp luật, của Điều lệ này và được cụ thể hóa trong quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường. Trường đại học có vốn đầu tư nước ngoài tự chủ về cơ cấu tổ chức; có trách nhiệm công bố công khai và báo cáo về cơ cấu tổ chức, người đại diện của nhà trường với Bộ Giáo dục và Đào tạo và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi trường đặt trụ sở chính.

Phân hiệu của trường đại học có giám đốc, tối đa 02 phó giám đốc phân hiệu và các đơn vị phục vụ phù hợp với yêu cầu hoạt động của phân hiệu. Tiêu chuẩn của giám đốc phân hiệu tương đương tiêu chuẩn phó hiệu trưởng phụ trách đào tạo của trường đại học; tiêu chuẩn của phó giám đốc phân hiệu tương đương tiêu chuẩn trưởng khoa của trường đại học. Nhiệm vụ và quyền hạn của phân hiệu: Thực hiện trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của trường đại học được giao, tuân thủ sự điều hành chung của hiệu trưởng trường đại học. Các ngành, chuyên ngành đào tạo ở các trình độ giáo dục đại học chỉ được triển khai tại phân hiệu khi được cơ quan có thẩm quyền cho phép. Tổ chức và hoạt động của phân hiệu phải được quy định cụ thể trong quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học. Phân hiệu của trường đại học có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam được thành lập theo quy định của pháp luật về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.

Nhiệm vụ và quyền hạn của hội đồng trường được quy định như sau: Định kỳ hàng năm hoặc đột xuất báo cáo, giải trình với cơ quan trực tiếp quản lý trường, cơ quan quản lý nhà nước về các điều kiện đảm bảo chất lượng, các kết quả hoạt động, việc thực hiện các cam kết và tài chính của trường; Kiến nghị cơ quan có thẩm quyền thông qua phương án bổ sung, miễn nhiệm hoặc thay thế các thành viên của hội đồng trường; Thông qua các quy định về: Số lượng, cơ cấu lao động, vị trí việc làm; việc tuyển dụng, quản lý, sử dụng, phát triển đội ngũ viên chức, nhân viên hợp đồng của nhà trường; Giới thiệu nhân sự hiệu trưởng, phó hiệu trưởng để thực hiện quy trình bổ nhiệm theo quy định; thực hiện đánh giá hàng năm việc hoàn thành nhiệm vụ của hiệu trưởng, các phó hiệu trưởng; kiến nghị cơ quan có thẩm quyền miễn nhiệm hiệu trưởng, phó hiệu trưởng; tổ chức lấy phiếu thăm dò tín nhiệm hiệu trưởng, phó hiệu trưởng giữa nhiệm kỳ hoặc đột xuất trong trường hợp cần thiết; Yêu cầu hiệu trưởng giải trình về những vấn đề chưa được thực hiện đúng, chưa được thực hiện đầy đủ theo nghị quyết của hội đồng trường, nếu có. Nếu hội đồng trường không đồng ý với giải trình của hiệu trưởng thì báo cáo cơ quan trực tiếp quản lý trường.

Hiệu trưởng là người điều hành tổ chức, bộ máy của trường đại học. Nếu được điều động từ cơ quan, tổ chức khác để bổ nhiệm vào chức vụ hiệu trưởng thì sau khi bổ nhiệm, hiệu trưởng phải là giảng viên cơ hữu hoặc cán bộ quản lý cơ hữu của nhà trường. Độ tuổi bổ nhiệm nhiệm kỳ đầu của hiệu trưởng không quá 55 đối với nam; không quá 50 đối với nữ tính đến tháng thực hiện quy trình bổ nhiệm; trường hợp đặc biệt phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước khi ra quyết định bổ nhiệm;

Phó hiệu trưởng trường đại học là người giúp hiệu trưởng trong việc quản lý, điều hành các hoạt động của nhà trường. Mỗi trường đại học có không quá 03 phó hiệu trưởng. Trường hợp đặc biệt, đối với các trường đại học có tổng quy mô trên 20.000 sinh viên chính quy và được giao nhiệm vụ đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ thì có thể bổ sung 01 hoặc 02 phó hiệu trưởng sau khi được sự đồng ý của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Phó hiệu trưởng trường đại học phải có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, sức khỏe tốt; có uy tín và năng lực quản lý, đã tham gia quản lý cấp bộ môn hoặc tương đương trở lên ở trường đại học ít nhất 5 năm; có trình độ tiến sĩ. Trường hợp trường đại học không có đủ người có trình độ tiến sĩ thì có thể bổ nhiệm người có trình độ thạc sĩ, nhưng không giao phụ trách hoạt động đào tạo, khoa học và công nghệ. Nếu được điều động từ cơ quan, tổ chức khác để bổ nhiệm vào chức vụ phó hiệu trưởng thì sau khi bổ nhiệm, phó hiệu trưởng phải là giảng viên cơ hữu hoặc cán bộ quản lý cơ hữu của nhà trường.

Các phòng chức năng thuộc trường đại học có nhiệm vụ tham mưu và giúp hiệu trưởng trong việc quản lý, tổng hợp, đề xuất ý kiến, tổ chức thực hiện các công việc theo chức năng, nhiệm vụ được hiệu trưởng giao. Trưởng phòng phải có trình độ đại học trở lên. Riêng trưởng phòng quản lý đào tạo, khoa học và công nghệ phải có trình độ tiến sĩ và có kinh nghiệm giảng dạy đại học ít nhất 5 năm; trưởng phòng hợp tác quốc tế, tổ chức cán bộ phải có kinh nghiệm giảng dạy đại học ít nhất 5 năm.

Đối với trường đại học tư thục, Đại hội đồng cổ đông bao gồm tất cả các thành viên góp vốn của trường đại học tư thục. Đại hội đồng cổ đông có các quyền và nhiệm vụ sau đây: Bầu đại diện thành viên góp vốn tham gia vào hội đồng quản trị; bầu, miễn nhiệm thành viên ban kiểm soát của trường; giải quyết các yêu cầu bổ sung, thay đổi thành viên hội đồng quản trị là đại diện thành viên góp vốn; đề xuất với hội đồng quản trị về việc không công nhận đại diện thành viên góp vốn trong hội đồng quản trị; Thông qua chiến lược đầu tư và kế hoạch phát triển cơ sở vật chất của nhà trường do hội đồng quản trị đề xuất; Thông qua báo cáo tài chính hàng năm của trường, những quy định có liên quan đến tài chính trong quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường; Thông qua quy chế tài chính nội bộ của trường; Thông qua nghị quyết về tăng, giảm vốn điều lệ, kế hoạch huy động vốn dưới mọi hình thức; Thực hiện các quyền và nhiệm vụ khác theo quy định tại quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường.

Hiệu trưởng trường đại học tư thục phải đảm bảo tiêu chuẩn theo Điều 20 của Luật Giáo dục đại học. Nếu trường đại học tư thục mời người chưa phải là giảng viên cơ hữu hoặc cán bộ quản lý cơ hữu của nhà trường về làm hiệu trưởng thì sau khi được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi trường đặt trụ sở chính ra quyết định công nhận, hiệu trưởng phải là giảng viên cơ hữu hoặc cán bộ quản lý cơ hữu của nhà trường.

Hiệu trưởng trường đại học tư thục do hội đồng quản trị bầu theo nguyên tắc bỏ phiếu kín và phải được trên 50% tổng số thành viên của hội đồng quản trị đồng ý; được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi trường đặt trụ sở chính ra quyết định công nhận; có nhiệm kỳ theo nhiệm kỳ của hội đồng quản trị và có thể được bầu, công nhận lại theo quy định trong quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường. Độ tuổi giữ chức vụ hiệu trưởng đối với trường đại học tư thục là không quá 75 đối với nam và không quá 70 đối với nữ;

Phó hiệu trưởng trường đại học tư thục phải đảm bảo tiêu chuẩn theo Khoản 2 Điều 12 Điều lệ này. Số lượng phó hiệu trưởng trường đại học tư thục được quy định cụ thể trong quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường. Nếu hiệu trưởng đề nghị bổ nhiệm người chưa phải là giảng viên cơ hữu hoặc cán bộ quản lý cơ hữu của nhà trường làm phó hiệu trưởng thì sau khi được hội đồng quản trị ra quyết định bổ nhiệm, phó hiệu trưởng phải là giảng viên cơ hữu hoặc cán bộ quản lý cơ hữu của nhà trường.

Chương trình đào tạo, giáo trình được thực hiện theo quy định tại Điều 36 của Luật Giáo dục đại học. Chương trình đào tạo phải đảm bảo cấu trúc và yêu cầu cụ thể như: Chương trình đào tạo được thiết kế theo định hướng nghiên cứu hoặc theo định hướng ứng dụng đối với một trình độ đào tạo của một ngành hoặc chuyên ngành đào tạo, bao gồm: Trình độ đào tạo; điều kiện tuyển sinh và điều kiện tốt nghiệp; mục tiêu đào tạo, chuẩn đầu ra; nội dung và phương pháp đào tạo; cách thức đánh giá kết quả học tập; các điều kiện thực hiện chương trình đào tạo.

Trường đại học tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc xây dựng, thẩm định, ban hành chương trình đào tạo, đảm bảo các yêu cầu sau đây: Chương trình đào tạo theo hình thức giáo dục chính quy phải đáp ứng các quy định về khối lượng kiến thức tối thiểu, yêu cầu về năng lực của người học sau tốt nghiệp, đảm bảo đúng quy trình xây dựng, thẩm định và ban hành; đảm bảo tính thống nhất kiến thức giữa các môn học trong toàn bộ chương trình đào tạo; được tổ chức đánh giá định kỳ, điều chỉnh, cập nhật cho phù hợp với thực tiễn, sự phát triển của chuyên ngành và đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động; chương trình chất lượng cao được xây dựng theo các tiêu chí quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; Chương trình đào tạo theo hình thức giáo dục thường xuyên có nội dung và chuẩn đầu ra như chương trình đào tạo theo hình thức giáo dục chính quy; Các chương trình bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ để cập nhật và nâng cao kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp của người học phải đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và hội nhập quốc tế; Trường đại học có vốn đầu tư nước ngoài tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc thực hiện và phát triển chương trình đào tạo theo quy định tại Điều 36 của Luật Giáo dục đại học; nội dung chương trình đào tạo phải bao gồm các môn học bắt buộc theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

(Theo http://moj.gov.vn/)


Tin Nổi Bật